Những câu hỏi liên quan đến Pháp lý dự án Bất động sản

Câu hỏi 1: Thời gian qua có rất nhiều người quan tâm về Hợp đồng ký quỹ trước khi dự án đủ điều kiện bán hàng, Ông có thể cho mọi người biết thêm nội dung của Hợp đồng ký quỹ như thế nào?

Trả lời:

Thứ nhất, Theo quy định tại Điều 330 về “Ký quỹ”, Bộ luật Dân sự 2015, “Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc giấy tờ có giá vào tài khoản phong tỏa tại một tổ chức tín dụng để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ”. Ký quỹ là việc bên có nghĩa vụ gửi một khoản tiền hoặc tài sản giá trị vào tài khoản phong toả của khách hàng tại một ngân hàng, để bảo đảm việc thực hiện nghĩa vụ. Thủ tục gửi và thanh toán thực hiện theo quy định của Luật ngân hàng nhà nước, như vậy, tiền ký quỹ của khách hàng được gửi vào tài khoản của khách hàng, mở tại ngân hàng, được hưởng lãi suất tiền gửi và được phong tỏa, chủ đầu tư không được sử dụng.

Đối chiếu với quy định tại Khoản 4 Điều 16, Luật Kinh doanh bất động sản quy định các hành vi bị cấm: “Huy động hoặc chiếm dụng trái phép vốn của bên mua, bên thuê, bên thuê mua bất động sản hoặc bên góp vốn đầu tư kinh doanh bất động sản”. Nếu huy động hoặc chiếm dụng vốn trái phép thì phải có hành vi sử dụng vốn, trong trường hợp này, chủ đầu tư không được sử dụng vốn, vì tiền ký quỹ được phong tỏa trong tài khoản của khách hàng tại ngân hàng do khách hàng và chủ đầu tư chỉ định, do đó không có hành vi chiếm dụng vốn, cũng như không có hành vi huy động vốn trái phép.

Thứ hai, Cũng theo quy định luật kinh doanh bất động sản, Chủ đầu tư được bán nhà ở hình thành trong tương lai, khi chủ đầu tư có các hồ sơ chủ yếu về dự án như: Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500; Chấp thuận chủ trương đầu tư; Quyết định giao đất; Nộp tiền thuế sử dụng đất; Giấy phép xây dựng; Văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận đủ điều kiện bán hàng; Thi công xây dựng xong móng đối với nhà cao tầng; Thi công xong phần hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật đối với nhà ở thấp tầng. Việc thoả thuận giữa các bên theo Hợp đồng ký quỹ ba bên (khách hàng, ngân hàng, chủ đầu tư) là thực hiện theo Luật Dân sự, tôn trọng quyền tự do dân sự của ba bên, tức là ký quỹ có tính chất như là để giữ chỗ, thể hiện sự quan tâm của khách hàng đến dự án.

Thứ ba, Theo các chuyên gia bất động sản, việc ký quỹ mua nhà với vai trò trung gian của ngân hàng là hình thức phổ biến trên thế giới. Thông thường khách hàng mua nhà về mặt kỹ năng, về mặt trình độ, về mặt pháp lý, đặc biệt là thẩm định về mặt tài chính đương nhiên sẽ không bằng ngân hàng. Ngân hàng thường sẽ thẩm định và quy trình thẩm định của ngân hàng sẽ giúp khách hàng mua nhà tin tưởng hơn. Nói một cách chính xác nhất, đây là một giao dịch “thuận mua vừa bán” giữa chủ đầu tư và khách hàng, trong đó ngân hàng là bên thứ ba uy tín nhất đứng ra đảm bảo quyền lợi của đôi bên.

Như vậy, hình thức ký quỹ sẽ có lợi cho chủ đầu tư, khi được đảm bảo về các khách hàng thật, có nhu cầu mua nhà ở dự án, tránh được các rủi ro về đầu cơ, nhu cầu mua nhà ảo. Khách hàng mua nhà sẽ được đảm bảo về mặt tài chính, bởi nếu có rủi ro tài khoản bị giải tỏa mà khách hàng không biết, thì bên phải chịu trách nhiệm là ngân hàng. Ở một góc độ khác, việc các chủ đầu tư đưa ra chính sách ký quỹ tại ngân hàng là việc giúp khách hàng sớm tiếp cận, lựa chọn được sản phẩm với mức giá dự kiến hợp lý, đây chính là lý do khiến nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn hình thức giao dịch ký quỹ này với các chủ đầu tư.

Thứ Tư, Về phía ngân hàng, ký quỹ là một loại hình giao dịch dân sự và thương mại được các tổ chức và các cá nhân áp dụng rộng rãi trong các giao dịch dân sự, thương mại. Ký quỹ là phương án sử dụng ngân hàng như một tổ chức trung gian quản lý và thực hiện theo thỏa thuận trước của các bên. Khi xảy ra các sự kiện mà các bên đã thỏa thuận trước, ngân hàng sẽ thực hiện: Mở phong tỏa tài khoản của khách hàng, để khách hàng sử dụng số tiền trên tài khoản của khách hàng đối với trường hợp Chủ đầu tư không đáp ứng được thỏa thuận trong hợp đồng ký quỹ; mở phong tỏa tài khoản của khách hàng, chuyển số tiền ký quỹ ban đầu trên tài khoản của khách hàng cho chủ đầu tư theo đúng thỏa thuận trong Hợp đồng ký quỹ.

Chính vì vậy, xuất phát từ nhu cầu của khách hàng, mong muốn sớm được sở hữu căn hộ Officetel tại Dự án The Lotus Center phân khu Platinum Center Point, Khách hàng và Chủ đầu tư chỉ định Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Quang Trung (Ngân hàng) là trung gian thực hiện cung cấp dịch vụ ký quỹ, sau đó khách hàng mở một tài khoản bằng Đồng Việt Nam và nộp số tiền ký quỹ tối thiểu 200.000.000 đồng/tổng giá trị căn hộ dự kiến và được hưởng lãi suất tiền gửi có kỳ hạn tại Ngân hàng (để tránh hiểu lầm, tài khoản ký quỹ của khách hàng là tài khoản duy nhất của khách hàng tại ngân hàng), Chủ đầu tư không được sử dụng khoản tiền ký quỹ này và thống nhất 2 phương án.

Phương án 1, Trường hợp dự án đã đủ điều kiện bán hàng, mốc thời gian kỹ quỹ, cũng như thời gian gửi tiền của khách hàng chưa hết, khách hàng thực hiện ký kết hợp đồng mua bán và thanh toán tiền đợt 1, số tiền thanh toán đợt 1 được trừ 200.000.000 đồng cho đến khi thời gian gửi tiền của khách hàng đã hết, Ngân hàng thực hiện mở phong toả tài khoản khách hàng, chuyển tiền cho Chủ đầu tư (số tiền 200.000.000 đồng chậm thanh toán đợt 1 chủ đầu tư không tính lãi).

Phương án 2, Trường hợp dự án đã đủ điều kiện bán hàng, mốc thời gian ký quỹ và thời hạn gửi tiền đã hết, nhưng khách hàng không còn nhu cầu mua nhà, từ chối không ký hợp đồng mua bán, khách hàng sẽ bị phạt, nội dung phạt đã được quy định trong Hợp đồng ký quỹ.

Câu hỏi 2: Tôi đang muốn mua chung cư trả góp và đã đặt cọc giữ chỗ 20 triệu đồng. Chủ đầu tư yêu cầu đặt thêm 100 triệu giữ chỗ (có hoàn trả). Vì số tiền lớn, tôi muốn được xem Giấy phép xây dựng thì CĐT trả lời đến khi ký hợp đồng mua bán thì mới được xem các giấy tờ pháp lý. Hiện dự án đang ép cọc, tôi có thấy máy móc nhưng không hoạt động. Tôi còn nghe nói dự án vẫn chưa có giấy phép. Tôi đang rất hoang mang, không biết về các giấy tờ được phép xem khi mua chung cư và các thủ tục mua bán ra sao?

Trả lời:

Thứ nhất, trước khi ra quyết định đặt cọc mua căn hộ cung cư, bạn có thể yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ thông tin về dự án như:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của chủ đầu tư: trong đó phải có ngành nghề kinh doanh bất động sản.

– Một giấy tờ vô cùng quan trọng là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất(sổ đỏ) hoặc quyền thuê đất của chủ đầu tư. Khi dự án có đủ giấy chứng nhận nghĩa là dự án đã giải phóng xong mặt bằng và đất xây dự án là “đất sạch” không có tranh chấp pháp lý về sau.

– Giấy tờ thứ ba là giấy phép xây dựng của dự án. Nhiều dự án hiện nay xảy ra tình trạng xây dựng không phép và bị đình chỉ thi công, dẫn đến chậm tiến độ dự án.

– Hồ sơ xác định chủ đầu tư đã hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuế liên quan đến đất. Nhiều khu chung cư khi người dân đi làm sổ đỏ bị vướng bởi chủ đầu tư còn nợ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

Thứ hai, về thủ tục mua bán căn hộ chung cư:

Bước 1: Bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng phải thống nhất lập Văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định và theo mẫu tại Thông Tư 19/2016/TT-BXD.

Bước 2 (nếu có): Thực hiện nghĩa vụ nộp thuế, phí và lệ phí tại cơ quan thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng. Trường hợp được miễn thuế phải có tài liệu chứng minh.

Bước 3: Yêu cầu chủ đầu tư xác nhận vào Văn bản chuyển nhượng hợp đồng. Bên nhận chuyển nhượng nộp 1 bộ hồ sơ đề nghị chủ đầu tư xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng, gồm các giấy tờ sau đây:

– 5 bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở, trong đó có 01 bản của bên chuyển nhượng.

– Bản chính hợp đồng mua bán nhà ở đã ký với chủ đầu tư. Trường hợp chuyển nhượng từ lần thứ hai trở đi thì phải kèm theo bản chính văn bản chuyển nhượng hợp đồng của lần chuyển nhượng liền kề trước đó. Trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở thì phải có thêm bản sao có chứng thực biên bản bàn giao nhà ở.

– Biên lai nộp thuế cho việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở hoặc giấy tờ chứng minh về việc được miễn thuế theo quy định pháp luật về thuế.

Bản sao có chứng thực hoặc bản sao và phải xuất trình bản chính để đối chiếu các giấy tờ của bên nhận chuyển nhượng: Chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương nếu là cá nhân. Nếu là tổ chức thì phải kèm theo quyết định thành lập hoặc giấy đăng ký thành lập tổ chức đó.

Chủ đầu tư có trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng trong thời hạn tối đa là 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ và bàn giao lại cho bên nộp hồ sơ các giấy tờ theo quy định. Bên nhận chuyển nhượng cuối cùng sẽ được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở theo quy định.

Câu hỏi 3: Trong hợp đồng mua bán với chủ đầu tư, có điều khoản phí bảo lãnh cho hợp đồng mua bán do bên mua trả. Chủ đầu tư cũng đã cung cấp đầy đủ giấy tờ pháp lý, trong đó có Thư cam kết bảo lãnh của Ngân hàng cho HĐMB của dự án. Phí bảo lãnh cho HĐMB là 2% giá trị HĐ. Cho tôi hỏi hợp đồng bảo lãnh đó có bắt buộc không? Người mua không cần bảo lãnh cho HĐMB có ảnh hưởng gì đền việc cấp sổ hồng sau này không? Mong luật sư tư vấn giúp. Xin cảm ơn.

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 56 Luật kinh doanh bất động sản 2014, Chủ đầu tư dự án bất động sản trước khi bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng thương mại có đủ năng lực thực hiện bảo lãnh nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư đối với khách hàng khi chủ đầu tư không bàn giao nhà ở theo đúng tiến độ đã cam kết với khách hàng. Đối với chủ đầu tư khi bán nhà hình thành trong tương lai, đây là quy định bắt buộc. Phí bảo lãnh là chi phí phát sinh, được chủ đầu tư tính vào giá bán căn hộ hoặc nhà ở hình thành trong tương lai.

Như vậy, theo quy định trên, việc bảo lãnh chỉ áp dụng đối với bên bán là các chủ đầu tư. Hiện tại, pháp luật không quy định bắt buộc bên mua phải thực hiện việc bảo lãnh đối với hợp đồng mua bán. Do đó, trường hợp khách mua không tiến hành bảo lãnh cho hợp đồng mua bán cũng không ảnh hưởng gì đền việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở sau này.

Câu hỏi 4: Muốn đầu tư bất động sản nhưng không có nhiều vốn, tôi nên chọn loại hình đầu tư nào?

Trả lời: Có rất nhiều nhà đầu tư nhỏ đứng trước những khó khăn về dòng vốn. Giải pháp hiệu quả nhất cho vấn đề này đó chính là lựa chọn loại hình đầu tư phù hợp. Khi bạn không có nguồn vốn vững mạnh, bạn có thể tìm đến những sản phẩm vừa túi tiền của mình.

Tuy nhiên, thông thường những sản phẩm với vốn nhỏ hoặc phù hợp với túi tiền của bạn thường không có khả năng sinh lời tốt, dễ gặp rủi ro như chôn vốn lâu khiến bạn lỗ hoặc phá sản.

Do vậy, đề xuất mà chúng tôi muốn gửi đến bạn đó là chọn các dự án căn hộ officetell. Lý do chọn loại hình căn hộ officetell:

Thứ nhất, đến từ mô hình căn hộ đa năng 2 trong 1, chủ sở hữu căn hộ vừa làm văn phòng, vừa để ở. Căn hộ Officetel với đầy đủ các tiện ích về công năng như bàn làm việc bằng chân sắt mạ đồng, với mặt vân gỗ ép công nghiệp, phía trên tường tận dụng làm các tủ gỗ treo tường để tài liệu, cùng với bộ ghế salong mềm mại, bàn trà kết hợp với thảm trang trí họa tiết, tạo nên không gian tiếp khách và họp nhóm ấm cúng và thân thiện. Thật tiện ích, khi nội thất phòng bếp, được thiết kế tiện nghi và gọn gàng cùng tông màu với không gian tiếp khách và không gian làm việc.. còn phòng ngủ căn hộ lại được thiết kế tối giản, mang âm hưởng cổ điển, ấm cúng như phòng ngủ gia đình, nhưng lại sang trọng và tiện nghi như phòng khách sạn cao cấp…thêm vào đó, được tô điểm hệ thống phào chỉ nhẹ nhàng và rèm vải cao cấp với tông màu cuốn hút, hòa nhập với phong cách nội thất của căn hộ.

Thứ hai, được phép đăng ký giấy phép kinh doanh từ chính địa chỉ căn hộ. Một trong những ưu thế khiến căn hộ Officetel thu hút được khách hàng là có thể dùng chính địa chỉ căn hộ để đăng ký giấy phép kinh doanh và giấy phép mở văn phòng giao dịch. Tại mỗi tòa nhà căn hộ Officetel còn có lối vào, sảnh thang máy riêng, thuận tiện cho việc di chuyển của cán bộ nhân viên tại các công ty. Hơn nữa, khu vực văn phòng còn có khu vực lễ tân để hướng dẫn khách hàng đến giao dịch, cũng như có thể treo bảng tên công ty ngay khu vực tiền sảnh đón khách của tòa nhà.

Thứ ba, tỷ suất sinh lời cao từ việc đầu tư cho thuê hiệu quả. Theo đánh giá của thị trường bất động sản, tiềm năng cho thuê đang là yếu tố ngày càng quan trọng, trong các quyết định đầu tư mua căn hộ officetel của nhà đầu tư. Bản thân căn hộ Officetel là một tài sản giá trị và mang lại lợi nhuận tốt hơn so với việc phát triển văn phòng cho thuê truyền thống, giúp dòng tiền quay vòng nhanh hơn với mức sinh lợi từ 8% – 10% mỗi năm trên tổng giá trị căn hộ. Như vậy, có thể thấy với việc sở hữu 50 năm, chủ sở hữu chỉ mất khoảng 10 – 12 năm để thu hồi vốn, còn lại có thể thu lợi nhuận 40 năm tiếp theo.

Thứ tư, vị trí “vàng” gia tăng vị thế cho doanh nghiệp. Nếu như trước đây, để có một văn phòng tiện nghi và chi phí không quá đắt đỏ, không ít những công ty phải di dời khá xa trung tâm, thì nay họ đã có thể tùy chọn cho mình một căn hộ phù hợp hơn, để nâng tầm vị trí bộ mặt công ty trong mắt khách hàng và đối tác. Tại Hà Nội cũng như các thành phố lớn khác, căn hộ officetel thường tập trung trên các tuyến phố, trên những khu vực sầm uất, sôi động, trung tâm thương mại lớn, chính vì vậy, vị trí văn phòng chính là một trong những yếu tố tạo lợi thế, thể hiện tiềm lực và tạo ấn tượng cho đối tác, khách hàng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch kinh doanh và quảng bá thương hiệu.

Thứ năm, Thừa hưởng hệ thống tiện ích hoàn chỉnh. Một ưu thế khác không thể phủ nhận đối với căn hộ officetel đó là đem lại cuộc sống hiện đại, trẻ trung và tiện nghi. Sở hữu căn hộ Officetel, đồng nghĩa với việc nhân viên văn phòng sẽ được sử dụng toàn bộ những tiện ích như: bể bơi, phòng gym, spa, coffee, nhà hàng, phòng khám, nhà thuốc, siêu thị… Những tiện ích công cộng như trường học, bệnh viện, chợ, công viên cũng nằm xung quanh tòa nhà, đáp ứng các nhu cầu vui chơi, giải trí của nhiều lứa tuổi khác nhau.

Thứ sáu, Giá bán “mềm” hơn so với các căn hộ thông thường. So với những căn hộ ở phân khúc trung cao cấp, căn hộ officetel luôn có giá “mềm” hơn nhiều lần, bởi diện tích bình quân của căn hộ nhỏ hơn căn hộ truyền thống, chỉ từ 45m2,46m2,47m2, 49m2,50m2…61m2, 65m2, 66m2, 76m2 và 112m2. Tuy nhiên, căn hộ officetel lại phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng đa dạng như nhà đầu tư cá nhân, hay các doanh nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ có tiềm lực tài chính trung bình. Không những thế, việc sở hữu 50 năm cũng khiến giá căn hộ Officetel được giảm xuống đáng kể, mặc dù chất lượng không thua kém các căn hộ chung cư ở ngay cùng dự án.

Thứ bảy, tiết kiệm chi phí và thời gian di chuyển. Khi nguồn cung văn phòng cho thuê có hạn và giá thuê ngày càng đắt đỏ, thuê căn hộ officetel là phương thức tiết kiệm chi phí đáng kể cho giới khởi nghiệp. Việc lập văn phòng tại nơi ở sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian đi lại, đặc biệt là tại thành phố đông đúc dân như Hà Nội. Theo thống kê tại Hà Nội, trung bình mỗi người mất khoảng 45 phút di chuyển giữa chỗ ở và chỗ làm việc mỗi ngày, vì vậy căn hộ officetel đã giúp giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả.

Thứ tám, Không gian kết nối chuyên nghiệp giữa các doanh nghiệp. Căn hộ officetel được đầu tư xây dựng trong những tòa nhà cao tầng, có sảnh khang trang, lễ tân chuyên nghiệp, chăm sóc khách hàng tốt, dễ dàng thúc đẩy tạo cảm hứng làm việc cho nhân viên, gia tăng khả năng tư duy và tập trung trong công việc. Cùng với đó, khả năng tập trung nhiều doanh nghiệp đa ngành nghề, đa lĩnh vực trong cùng một tầng làm việc, cùng một tòa nhà, sẽ là môi trường thuận lợi để kết nối và biến chính những “hàng xóm” trở thành khách hàng hay đối tác của nhau.

Với những ưu điểm mà mô hình căn hộ Officetel mang lại, nguồn cầu thuê hiện đang rất lớn, trong khi nguồn cung lại khá khan hiếm, đã tạo điều kiện giá thuê căn hộ Officetel tăng ổn định trong thời gian tới. Theo dự đoán của các chuyên gia về bất động sản, thị trường cho thuê văn phòng trong giai đoạn 2018 – 2020 sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan. Tính riêng giá cho thuê văn phòng hạng A tại Hà Nội có thể tăng tới 5%, với hàng loạt các tên tuổi uy tín xuất hiện tại các vị trí trọng điểm như Mễ Trì, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Tây Hồ hay Thanh Xuân…. Đồng thời, với lợi thế về giá, về cho thuê cũng giúp cho căn hộ Officetel có tính thanh khoản tốt, dễ bán, dễ sang nhượng hơn so với căn hộ chung cư hay đất nền.

Câu hỏi 5: Với số vốn 2 – 3 tỷ, giữa nhà phố và căn hộ chung cư thì loại hình nào cho hiệu suất sinh lời cao hơn?

Trả lời:

– Đối với đầu tư nhà phố: Số tiền 2 – 3 tỷ đồng là vừa đủ để bạn có thể nghĩ đến việc mua một căn nhà phố tại khu vực nội thành các khu vực đông dân, tuy nhiên khả năng bạn chỉ mua được những căn nhà trong hẻm, diện tích sẽ nằm trong khoảng từ 50 – 100m2 trở lại.

Hiệu suất sinh lời từ việc cho thuê nhà phố ổn định 6%/năm, tốc độ tăng giá tối thiểu khoảng 5-7% một năm.

– Đối với đầu tư căn hộ chung cư: Với dòng vốn vừa phải, khoảng 2 – 3 tỷ đồng, bạn có thể lựa chọn cho mình những căn hộ chung cư thuộc phân khúc trung cấp và cao cấp ở nhiều khu vực tốt về giao thông, hạ tầng và ven trung tâm cách khoảng 5 – 10 km di chuyển.

Tỷ suất sinh lời từ tiền cho thuê căn hộ chung cư sẽ ở mức 7 – 9%/năm. Tốc độ tăng giá của căn hộ chung cư trung cấp – cao cấp sẽ không cao bằng nhà phố. Trong khi đó, phân khúc căn hộ giá rẻ – trung bình sáng hơn phân khúc cao cấp nhưng tỷ suất sinh lời lại thấp hơn, đạt 5 – 6% một năm và vị trí xa hơn.

Việc đầu tư căn hộ có thành công hay không và thành công đến đâu sẽ phụ thuộc khả năng chọn dự án, vị trí dự án, thời điểm mua…

Câu hỏi 6: Tôi có nên đầu tư kiểu “lướt sóng” không?

Trả lời: So với đầu tư cho thuê thì đầu tư kiểu “lướt sóng” được những nhà đầu tư chuyên nghiệp ưa chuộng hơn vì khả năng cho lãi “khủng” trong một khoảng thời gian ngắn. Tuy nhiên, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn, bạn phải có am hiểu nhất định về thị trường bất động sản nếu muốn tham gia đầu tư vào phân khúc này.

Thông thường, nhà đầu tư khi tham gia “lướt sóng” có xu hướng thích đầu tư vào đất nền nhiều hơn do tính thanh khoản cao hơn và khả năng cho lợi nhuận đột biến. Để thành công với kiểu đầu tư lướt sóng, bạn không chỉ nắm chắc về khả năng thanh khoản mà còn phải nắm được mọi thông tin về khu vực hoặc dự án định đầu tư (giá bán, quy hoạch, khả năng tăng giá, rủi ro, tình trạng “bong bóng”, sốt đất “ảo”…).

Ngoài ra, bạn cần tránh những lô đất hay dự án có tính pháp lý không minh bạch và hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính. Những người thành công với loại hình này thường là những nhà đầu tư cập nhật được một số thông tin ít người biết. Do đó, nếu bạn chưa chắc chắn hoặc không đủ sự chuyên nghiệp để thẩm định thông tin thì không nên đầu tư theo những lời đồn thổi hoặc theo phong trào.

Câu hỏi 7: Đầu tư bất động sản ở khoảng cách bao nhiêu so với trung tâm là an toàn?

Trả lời: Bất động sản không quá xa trung tâm (hoặc nơi sầm uất) trong khoảng từ 3 – 10km thường có tính thanh khoản tốt. Lý do là mọi người sẽ chấp nhận di chuyển trong khoảng cách này, với bán kính này, khách hàng chỉ mất từ 10 – 25 phút di chuyển. Đó được xem là nhu cầu tiêu dùng thực.

Khi nhắc đến bất động sản, thường tồn tại 2 nhu cầu cơ bản là tiêu dùng và đầu tư. Khi thị trường đi xuống, có thể nhu cầu đầu tư biến mất và chỉ còn nhu cầu tiêu dùng.

Nếu mua bất động sản không quá xa nơi sầm uất thì dù thị trường đi xuống, có thể lúc này nhu cầu tiêu dùng vẫn còn và bạn vẫn có thể bán được bất động sản của mình, tức bất động được giao dịch, được thoát ra khỏi thị trường.

Nhiều người mất tiền hoặc đọng vốn hàng tỉ đồng với lý do chính là mua bất động sản ở vị trí quá xa trung tâm, nơi không có nhu cầu tiêu dùng. Một số bất động sản khác thì do giá quá cao, không phù hợp với nhu cầu nhiều người nên khi thị trường đi xuống cũng mất luôn tính thanh khoản.

Câu hỏi 8: Tôi muốn tạo ra lãi ngay sau khi mua bất động sản thì nên làm gì?

Trả lời: Với loại hình đầu tư này, đầu tiên bạn cần tự hỏi bản thân có đang mua rẻ hơn giá thị trường không? Hay đang mua bằng giá thị trường và kỳ vọng giá sẽ tăng trong tương lai?

Giả sử bất động sản có giá thị trường (giá mặt bằng chung) là 1 tỉ đồng, bạn mua được với mức giá 800 triệu đồng; hoặc giá thị trường là 5 tỉ đồng, bạn mua với giá 4,2 tỉ đồng… Lúc này, khoảng chênh lệch giữa giá bạn mua vào và bán ra sau khi trừ đi các khoản hao phí khác được xem là mức lãi, mức lãi này được hình thành ở ngay thời điểm bạn mua vào.

Nếu sau khi rao bán, mức lợi nhuận ước đạt có thể cao hơn so với mức mua vào gấp hai, ba lần tùy vào thị trường, vào nhu cầu và khả năng kinh doanh của bạn.Tạo ra lãi ngay khi mua có thể được hiểu là luôn mua thấp hơn giá thị trường. Tuy nhiên, sai lầm của hầu hết mọi người là thường mua bằng giá thị trường và hy vọng trong tương lai sẽ lên giá.

Trong vài trường hợp, sau khi mua xong, thị trường bất động sản đi lên và bạn kiếm thêm được tiền khi bán. Nhưng tư duy đầu tư thông minh hơn hết là tạo ra lãi ngay khi mua. Nhờ tư duy này, bạn có thể kiếm tiền cả khi thị trường đi lên và đi xuống. Đối với thị trường đi xuống, bạn nên chọn khu vực có tính thanh khoản cao, để lúc này bạn vừa mua vào rẻ và bán ra cũng rẻ, nhưng vẫn có lãi.

Câu hỏi 9: Tôi nên chọn ngân hàng nào để vay vốn đầu tư nhà đất là tốt nhất?

Trả lời: Các ngân hàng hiện nay đều dành cho khách hàng nhiều hỗ trợ để mua nhà đất. Tuy nhiên, trước khi quyết định vay tiền mua nhà của bất kỳ một ngân hàng nào bạn cũng cần phải nghiên cứu kỹ về lãi suất, thời hạn vay, mức vay, chính sách ưu đãi để biết được ngân hàng nào cho vay tốt nhất.

Hiện nay, Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển Việt Nam BIDV là thương hiệu hàng đầu cho vay mua nhà trả góp. Đặc điểm nổi bật của gói vay là cho vay tới 100% nhu cầu vay vốn, thời hạn kéo dài đến 20 năm, lãi suất từ 7,1%.

Ngân hàng TPCP Ngoại thương Việt Nam Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng dành nhiều ưu đãi cho khách hàng vay mua nhà đất, chung cư.

Hạn mức cho vay mua nhà trả góp của Vietcombank lên tới 70% giá trị hợp đồng mua bán nhà ở, với thời gian vay tối đa là 15 năm.

Câu hỏi 10: Tôi chuẩn bị vay ngân hàng mua nhà trả góp, vậy tôi cần chuẩn bị thủ tục gì để vay vốn?

Trả lời: Khi vay vốn ngân hàng để mua nhà bạn cần những thủ tục và điều kiện nhất định. Mỗi ngân hàng sẽ có những quy định khác nhau về thủ tục và điều kiện vay mua. Chúng tôi sẽ hướng dẫn bạn một số thủ tục cần thiết khi vay ngân hàng mua nhà đất như:

– Hồ sơ pháp lý vay vốn: sổ hộ khẩu/KT3/giấy tạm trú của người vay và bên bảo lãnh (nếu có). Chứng minh nhân dân của 2 vợ chồng hoặc bên bảo lãnh (nếu có). Giấy đăng ký kết hôn và bên bảo lãnh (nếu có).

– Hồ sơ nguồn thu nhập trả nợ: Điều kiện và thủ tục quan trọng khi vay ngân hàng mua nhà mà bạn phải có đó là hồ sơ nguồn thu nhập trả nợ. Nếu bạn làm công ty, bạn cần có hợp đồng lao động, thêm vào đó là sao kê tài khoản trả lương qua ngân hàng hoặc bảng lương trong 3 tháng gần nhất.

Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn cần có đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận mã số thuế, báo cáo tài chính của năm trước. Có dấu xác nhận của cơ quan thuế trong bảng kê khai thuế VAT 6 tháng gần đây nhất. Đối với chủ hộ kinh doanh cá thể thì bạn phải có giấy đăng ký kinh doanh và giấy chứng nhận mã số thuế, sổ sách ghi chép bán hàng, hoá đơn bán lẻ (nếu có).

– Hồ sơ đảm bảo và mục đích vay tiền ngân hàng: Bạn cần có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ căn nhà, nền nhà dự định mua cùng biên lai đóng tiền. Hoặc bạn có thể sử dụng giấy thoả thuận hoặc hợp đồng mua bán nhà do 2 bên lập (nếu có).

Câu hỏi 11: Em đang làm thủ tục đính chính GCN quyền sử dụng đất, mọi thứ giấy tờ đã chuẩn xong hết, do công việc bận em ủy quyền cho người bạn đi làm (GCN quyền sử dụng đất ghi tên hai vợ chồng em, chồng em đi công tác xa trong Nam) việc em ủy quyền hợp pháp nhưng chỉ có mình em ký vào ủy quyền, nay cán bộ giải quyết thủ tục hành chính yêu cầu cả hai vợ chồng ký ủy quyền cho bạn em. các Luật sư cho em hỏi

Việc ủy quyền đi đính chính GCN có cần cả hai vợ chồng không ký không ? nếu có thì căn cứ nào?
Việc GCN quyền sử dụng đất của vợ chồng em sai là do cơ quan chức năng ( sai về số thửa) nay đính chính trên GCN của em hay đính chính trên hồ sơ lưu tại phòng tài nguyên môi trường? và kết quả đính chính là gì?
Xin chân thành cảm ơn các Luật sư!

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ Về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì khi phát hiện nội dung ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có sai sót thì Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp; Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đính chính đối với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cấp. Như vậy, cơ quan nhà nước có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn nếu có phát hiện sai sót ghi trong Giấy chứng nhận.
Không có quy định pháp luật nào bắt buộc phải tất cả các người có tên trong Giấy chứng nhận phải yêu cầu đính chính GCN quyền sử dụng đất thì cơ quan có thẩm quyền mới đính chính Giấy chứng nhận (chỉ cần phát hiện có sai sót là phải đính chính). Do vậy, chỉ cần một mình bạn yêu cầu đính chính giấy chứng nhận đã cấp do có sai sót thì cơ quan có thẩm quyền phải có trách nhiệm đính chính Giấy chứng nhận đã cấp cho gia đình bạn. Việc cán bộ giải quyết vụ việc bắt cả hai vợ chồng bạn phải ủy quyền thực hiện thủ tục là máy móc, không đúng quy định pháp luật. Bạn có thể khiếu nại đến thủ trưởng cơ quan đó để được giải quyết.
Nguyên tắc đính chính Giấy chứng nhận là đính chính nội dung ghi trong Giấy chứng nhận cho khớp với hồ sơ địa chính. Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra, ghi nội dung đính chính trên GCN theo quy định tại điểm q khoản 1 Điều 12 của Thông tư số17/2009/TT-BTNMT (3) để cơ quan tài nguyên và môi trường xác nhận.
Câu hỏi 12: Thủ tục cấp GCNQSDĐ như thế nào?

Trả lời: Thứ nhất, về hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận:

– Đối với trường hợp thửa đất không có tài sản gắn liền với đất hoặc có tài sản nhưng không có nhu cầu chứng nhận quyền sở hữu hoặc có tài sản nhưng thuộc quyền sở hữu của chủ khác:

Tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 88/2009/NĐ-CP của Chính Phủ ngày 19 tháng 10 năm 2009 về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận như sau:

“1. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp một (01) bộ hồ sơ gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai (nếu có);
c) Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).”
– Đối vớitrường hợp tài sản gắn liền với đất mà chủ sở hữu không đồng thời là người sử dụng đất: Tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 88/2009/NĐ-CP quy định hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận trong trường hợp này như sau:

“1. Người đề nghị cấp Giấy chứng nhận nộp một (01) bộ hồ sơ gồm có:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận;
b) Trường hợp chứng nhận quyền sở hữu nhà ở thì nộp giấy tờ về quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 8 của Nghị định này; trường hợp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng thì nộp giấy tờ về quyền sở hữu công trình xây dựng theo quy định tại các khoản 1 và 3 Điều 9 của Nghị định này; trường hợp chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng thì nộp một trong các giấy tờ về quyền sở hữu rừng cây quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và giấy tờ tại khoản 7 Điều 10 của Nghị định này;
c) Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật (nếu có);
d) Sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ quy định tại điểm b khoản này đã có sơ đồ nhà ở, công trình xây dựng).”
Thứ hai, về trình tự thủ tục:

– Nơi nộp hồ sơ: Theo quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định 88 thì nơi nhận hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện (sau đây gọi là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện), trừ trường hợp quy định tại Điều 18 của Nghị định này.

– Thẩm quyền: Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác định đủ điều kiện hay không đủ điều kiện chứng nhận quyền sở hữu tài sản và xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

Trường hợp cần xác minh thêm thông tin về điều kiện chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp cấp huyện. Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận được phiếu lấy ý kiến, cơ quan quản lý về nhà ở, công trình xây dựng, cơ quan quản lý nông nghiệp có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

Văn phòng đăng ký nhà đất sẽ chuẩn bị hồ sơ kèm theo trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất (nơi chưa có bản đồ địa chính) để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ký Giấy chứng nhận.

– Thời gian giải quyết thủ tục cấp Giấy chứng nhận: Tại khoản 1,2,3 Điều 12 Nghị định 88/2009/NĐ-CP quy định: “Thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định như sau:

Không quá năm mươi (50) ngày làm việc đối với trường hợp cấp Giấy chứng nhận lần đầu.
Không quá ba mươi (30) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà có nhu cầu bổ sung chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc cấp lại Giấy chứng nhận bị mất.
Không quá hai mươi (20) ngày làm việc đối với trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này”

Câu hỏi 13: Thủ tục chuyển nhượng sang tên căn hộ chung cư?

Trả lời : Thủ tục sang tên căn hộ chung cư đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (sổ đỏ)

Bước 1: Hai bên đến văn phòng công chứng ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà;

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất;

Bước 3: Thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế, phí, lệ phí);

Bước 4: Nhân giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà bao gồm:

– Đơn xin cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (theo mẫu);

– Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà (bản chính + bản sao chứng thực);

– CMTND, sổ hộ khẩu của bên bán và bên mua (bản sao chứng thực);

– Hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu nhà (công chứng);

– Hồ sơ kỹ thuật căn hộ (bản chính);

– Giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận tình trạng nhân thân (bản sao).

– Nghĩa vụ tài chính (thuế, phí, lệ phí) (Áp dụng từ ngày 01/7/2013 Ngày Luật thuế thu nhập cá nhân sửa đổi có hiệu lực)

+ Lệ phí: Lệ phí trước = 0,5 % x Khung giá đất do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định.

+ Thuế thu nhập cá nhân: Có hai phương pháp tính sau đây:

Cách 1: Thuế thu nhập cá nhân = 25% giá trị lợi nhuận (giá bán – giá mua)

Giá bán: là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng

Giá mua: Là giá mua được xác định căn cứ vào giá ghi trên hợp đồng mưa. Đối với nhà ở không có nguồn gốc từ nhận chuyển nhượng, mua lại thì căn cứ vào hồ sơ thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước tại thời điểm được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở.

Cách 2: Áp dụng khi không xác định được giá mua

Thuế thu nhập cá nhân = 2% Giá chuyển nhượng (giá ghi trong hợp đồng).

Lưu ý: Quý khách được miễn thuế thu nhập cá nhân trong các trường hợp sau đây (xem tại đây)

Nghĩa vụ nộp thuế: Theo quy định Luật thuế thu nhập cá nhân thì bên chuyển nhượng có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên hai bên có thể tự thỏa thuận bên có nghĩa vụ nộp thuế.

Câu hỏi 14: Tôi rất muốn mua sản phẩm của Công ty nhưng hiện tại tôi không đủ tiền thanh toán theo tiến độ. Ngân hàng có hỗ trợ thanh toán khi mua các sản phẩm của Công ty không?

Trả lời: Công ty chúng tôi đã có liên kết với khá nhiều ngân hàng để hỗ trợ Quý khách trong việc thanh toán. Tuy nhiên, Quý khách cần thanh toán tối thiểu 30% giá trị hợp đồng sẽ được ngân hàng hỗ trợ vay để thanh toán phần còn lại. Thời hạn vay và lãi suất cụ thể đối với từng trường hợp, Quý khách vui lòng liên hệ trực tiếp các ngân hàng để biết thêm chi tiết.

Câu hỏi 15: Tôi có mua một căn hộ chung cư của Công ty, nay tôi muốn thay đổi thiết kế căn hộ để phù hợp hơn với nhu cầu của gia đình thì có được không và thủ tục sửa chữa như thế nào?

Trả lời: Quý Khách có thể thay đổi trang trí nội thất căn hộ để phù hợp hơn với nhu cầu sử dụng trên nguyên tắc không làm thay đổi kết cấu chung và thiết kế mặt ngoài của công trình, việc thay đổi này phải được Chủ đầu tư đồng ý (bằng văn bản) trước khi thi công.

Quy trình: Nộp đơn đề nghị thay đổi hoặc sửa chữa cho Ban Quản lý. Ban Quản lý có trách nhiệm chuyển cho bộ phận chức năng xem xét và phản hồi sớm cho Quý Khách.

Câu hỏi 16: Chung cư là nơi tập trung sinh sống của nhiều người. Tôi lại chưa bao giờ ở chung cư nên cảm thấy rất lo ngại về vấn đề an toàn và an ninh. Tôi muốn biết Công ty có biện pháp nào để đảm bảo an toàn và an ninh cho các hộ dân sống ở chung cư?

Trả lời: Các khu chung cư hiện nay là một khu khép kín, có 1 cổng duy nhất ra vào, được lắp camera quan sát người ra vào cổng và hành lang của các tầng, đồng thời được bảo vệ giám sát an ninh 24/24 giờ. Ngoài ra, tòa nhà còn được lắp đặt hệ thống báo cháy tự động đến từng căn hộ và hệ thống chống sét hiện đại.

Câu hỏi 17: Trong hợp đồng mua bán căn hộ có nói đến “kinh phí bảo trì bằng 2% giá bán căn hộ”. Tại sao tôi phải đóng phí bảo trì trong khi mới bàn giao căn hộ và chưa hết hạn bảo hành?

Trả lời: Điều 51, Nghị định số 71/2010/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 23/6/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 8/8/2010 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở quy định: kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư là 2% giá bán căn hộ. Khoản tiền này do người mua đóng cho Chủ đầu tư trước khi nhận bàn giao căn hộ. Sau khi Ban quản trị nhà được thành lập, Chủ đầu tư sẽ bàn giao lại cho Ban quản trị chung cư quản lý trên nguyên tắc công khai, minh bạch cho tất cả các hộ dân cùng biết.